Đặc biệt, vừng còn“nổi danh” là một vị thuốc với nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe và sắc đẹp, được y học dân tộc nhiều quốc gia tin dùng.
Loại cây có từ thời tiền sử
Cây vừng (Sesamum indicum) là loại cây ra hoa thuộc chi vừng (Sesamum), họ vừng (Pedaliaceae), được trồng ở vùng nhiệt đới từ thời tiền sử. Qua nghiên cứu khảo cổ chứng minh khi khai quật một ngôi mộ ở Ai Cập có bức tranh người thợ làm bánh mì thêm hạt vừng vào bột bánh…
Khoảng 3000 năm TCN, vừng là một trong những loại cây trồng đầu tiên ở châu Á, người Trung Quốc dùng dầu vừng đốt đèn và sử dụng nó để làm bồ hóng sản xuất mực in. Cây vừng còn gọi là cây mè, chữ Hán gọi là chi ma, hạt vừng là chi ma tử. Sử sách chép rằng, cây vừng vốn ở nước Hồ (tên xưa kia của Ấn Độ), vì vậy, người Trung Hoa gọi cây vừng là hồ ma và hạt vừng là hồ ma tử.
Ngoài ra, vừng còn được gọi với nhiều tên khác nhau như du tử miêu, du ma, cẩu sát, cự thắng… Ngày nay, vừng là loại cây đã được thuần hóa, trồng ở các vùng nhiệt đới khắp thế giới để lấy hạt ăn và chữa bệnh.
Vừng là cây thân thảo, cao khoảng1 - 1,5m, có nhiều lông mịn, cây vừng có lá so le mọc từ gốc, hình mác hẹp, có gân. Hoa vừng màu vàng nhạt hoặc hơi hồng. Quả nang, hình trụ dài, khía dọc, chia thành 4 mảnh.
Khi chín, 4 mảnh quả tách ra bên trong chứa rất nhiều hạt vừng nhỏ xíu, kỳ diệu. Hạt vừng hình bầu dục, có vỏ màu trắng kem, màu vàng, tím, đen, đỏ. Vừng sinh trưởng trong điều kiện có độ ẩm và nhiều ánh sáng, nhiệt độ từ 25 - 30 độ C. Cuối mùa hạ, đầu mùa thu là lúc quả vừng chín, người ta cắt cả cây, phơi khô, đập lấy hạt.
Hiện 3 nước có sản lượng vừng lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico. Vừng được thu hạt để ép lấy dầu. Dầu vừng là một loại dầu đặc biệt chứa nhiều axit béo không no nên nó khó đông đặc khi thời tiết lạnh, bảo quản được lâu.
Ngoài việc dùng trong ẩm thực, dầu vừng còn là một trong những loại dầu phổ biến dùng làm dung môi trong chiết xuất những chất tan trong dầu từ dược liệu, pha loãng tinh dầu thảo dược.
Hạt bé nhỏ mang giá trị lớn…
Những hạt vừng nhỏ xíu nhưng lại chứa cả một “kho” dinh dưỡng và thuốc trong đó. Trong hạt vừng có chứa đủ các thành phần dinh dưỡng như protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, các chất khoáng như: Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn… Với 3 loại vừng trắng, vàng, đen thì vừng đen được sử dụng nhiều trong y học.
Theo Y học cổ truyền, vừng có thể được dùng đơn độc hoặc phối các vị thuốc khác chữa trị nhiều bệnh. Theo sách Bản thảo cương mục, hạt vừng bổ dưỡng ngũ tạng, chưng với mật ong chữa được nhiều bệnh.
Với Nam y thần dược: “Hạt vừng (ma nhân), dầu vừng (ma du) có vị ngọt, béo, tính bình, quy 4 kinh phế, tỳ, can, thận. Có tác dụng nhuận tràng, bổ khí huyết, bổ ngũ tạng, ích khí lực, bổ não tủy, mạnh gân cốt, sáng tai mắt, ích lão trường thọ”.
Vừng thường được dùng để chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng, lợi sữa ở phụ nữ nuôi con bú, trị lỵ, giải độc, chữa tổn thương do chấn thương, bỏng, mụn nhọt. Đặc biệt, hoạt chất sesamin và sesaminol trong dầu vừng có tác dụng chống tăng huyết áp, hạ cholesterol và chống sự giãn nở của cơ tim, chống oxy hóa, bảo vệ gan.
Giá trị đặc biệt hơn từ hạt vừng bé nhỏ này là khả năng phòng chống ung thư. Với lượng lớn dinh dưỡng cùng các vitamin, khoáng chất thì hạt vừng còn chứa axit phytic là một hợp chất chống ung thư mà ít ai biết tới.Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa, ngăn chặn hoạt động của các gốc tự do.
Do đó, không chỉ ngăn ngừa bệnh ung thư, hợp chất này còn giúp cơ thể tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện và ngăn ngừa bệnh tim mạch, ngăn chặn các bệnh liên quan đến rối loạn nhận thức.
Hàm lượng magie cao trong hạt vừng (với 36g hạt vừng đã cung cấp tới 31,6% nhu cầu magie hằng ngày cho cơ thể) làm giảm và ổn định huyết áp, ngăn chặn những cơn đau tim, đột quỵ. Bên cạnh đó, hạt vừng còn giúp ngăn ngừa sự co thắt đường hô hấp, ngăn ngừa những cơn đau nửa đầu và làm giảm hội chứng tiền mãn kinh…
Ngoài ra, các sản phẩm từ hạt vừng có tác dụng ngăn chặn và kiểm soát bệnh tiểu đường ở mọi tình trạng khác nhau, bằng khả năng điều hòa lượng insulin và glucose trong cơ thể; Chất xơ và dầu béo trong hạt vừng giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn, do vậy mà cơ thể cũng tránh được các loại bệnh về đường tiêu hóa.
Món ăn bài thuốc từ vừng
Suy nhược cơ thể: vừng đen, lá dâu non lượng bằng nhau, tán nhỏ, làm hoàn với mật, mỗi hoàn 10g, ngày uống 1 - 2 hoàn.
Trị táo bón kéo dài: vừng đen, lá dâu mỗi vị 100g, sa sâm, mạch môn mỗi vị 200g, tán nhỏ, làm hoàn với mật, mỗi hoàn 10g, ngày uống 1 - 2 hoàn.
Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu não: vừng đen, hà thủ ô, ngưu tất lượng bằng nhau, tán bột, làm hoàn, mỗi hoàn 10g, ngày uống 2 - 3 hoàn.
Viêm thận mạn tính: vừng đen 0,5kg, quả óc chó 0,5kg, táo đỏ vừa đủ. Vừng đen và quả óc chó tán nhuyễn, ngày 3 lần, mỗi lần 20g, sau khi uống, nhai thêm 7 quả táo (đây là 1 liệu trình, uống hết chế biến tiếp).
Sức yếu, lưng gối mỏi đau: vừng đen, thục địa, ý dĩ, rượu với mỗi thứ vừa đủ. Bọc trong túi vải, ngâm trong rượu 1 tuần, dùng uống lúc bụng đói.
Chức năng gan và thận suy: vừng đen, lá dâu với mỗi thứ có lượng bằng nhau, nếp vừa đủ, nấu cháo ăn.
Mẩn ngứa mề đay: vừng đen 10g, táo đen 10g, đậu đen 10g. Sắc uống, ngày 1 thang, uống liên tục.
Sản phụ thiếu sữa: vừng đen 250g, giò heo 2 - 3 cái, gia vị vừa đủ. Giò heo hầm canh, vừng đen sau khi rang tán nhuyễn, uống với canh giò heo, mỗi lần 15g, ngày 3 lần.
Hen suyễn: vừng đen 250g (sao), gừng 120g, đường phèn 100g, mật ong 100g. Gừng vắt lấy nước, trộn với vừng, rồi cho vào chảo rang thơm, để nguội. Đường phèn và mật ong nấu chảy trộn đều với vừng, sau cùng chứa trong một lọ. Mỗi sáng và chiều múc ăn 1 muỗng canh.
Thiếu máu: vừng đen 15g, cẩu kỷ tử 15g, thục địa 20g, đảng sâm 30g, đương quy 10g, bạch thược 10g, sắc uống, ngày 1 - 2 lần.
Trẻ em ho gà: vừng đen 50g, lạc 30g, mật ong 50ml. Tất cả cho vào nồi, thêm nước nấu canh, ăn sau khi nấu chín, ngày 1 lần, dùng liền 3 - 5 ngày.
Suy giảm trí nhớ, hay quên, mất ngủ: vừng đen 250g, quả óc chó 250g, đường vàng 0,5kg. Rang chín vừng và quả óc chó.
Đun nước đường cho nước vừa đủ, nấu nhỏ lửa khi đường chảy dính, kéo lên thành sợi, tắt bếp, đổ vào mè đen, quả óc chó, trộn đều, sau khi đổ vào những khuôn có lót dầu ăn, chờ nguội, cắt miếng, mỗi lần dùng 15g, ngày 3 lần, ăn thường xuyên.
Hạt vừng có thể nói như một “vệ sĩ tí hon” luôn song hành “bảo vệ” chúng ta một cách tự nhiên qua các món ăn bài thuốc được dân gian lưu truyền ngàn đời qua. Giá trị của hạt vừng nhỏ bé nhưng kỳ diệu với cơ thể con người có thể vẫn còn nhiều ẩn số… để chúng ta tiếp tục khám phá thêm trong “hành trình” cuộc sống.